Chính sách BHXH, BHYT ngày càng khẳng định vai trò trụ cột An sinh xã hội
08/04/2020 03:26 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Là một trong những ý kiến kết luận quan trọng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Cuộc họp Sơ kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 được tổ chức ngày 24/3 vừa qua tại Hà Nội, vừa được Văn phòng Chính phủ thông báo mới đây.
Cán bộ BHXH tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện đến người dân (ảnh minh hoạ)
Kết luận nêu rõ, sau gần 8 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ-TW ngày 01/6/2012 đã đạt được thành tích với nhiều điểm sáng trong lĩnh vực người có công và An sinh xã hội. Trong đó, có 24/26 chỉ tiêu đạt và vượt, trong đó có 8 chỉ tiêu về đích trước 2 năm, 16 chỉ tiêu đạt vào năm 2020. Thể hiện rõ nhất là đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên. Chính sách người có công được quan tâm đặc biệt, đối tượng được mở rộng, chế độ trợ cấp, ưu đãi được đảm bảo. Chính sách BHXH và BHYT được bổ sung sửa đổi và trở thành trụ cột quan trọng của an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ và quốc tế đánh giá cao; các chính sách xã hội được thực hiện toàn diện từ trung ương đến địa phương.
Thành quả trên đã thể hiện rõ tính ưu việt của chế độ ta dưới sự lãnh đạo của đảng, nhà nước ta. Tuy nhiên, chính sách xã hội thực hiện chưa đồng bộ, kết quả chưa đồng đều giữa các địa phương; vẫn còn 02 chỉ tiêu chưa đạt được (tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt theo tiêu chuẩn quốc gia); kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững.
Bối cảnh mới hiện nay ở nước ta với những thách thức của giáo hóa dân số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, thiên tai, dịch bệnh, nhất là phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi-rút Corona chủng mới gây ra, cần tiếp tục kế thừa quan điểm của Nghị quyết 15, xác định chính sách xã hội rất quan trọng trong phát triển bền vững đất nước. Cụ thể, con người là trung tâm của quá trình phát triển, đảm bảo chính sách xã hội phải được xây dựng và triển khai thực hiện hài hòa, đồng bộ với phát triển kinh tế. Xác định đầu tư cho con người, cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển nhằm đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với Kế hoạch hành động quốc gia đến năm 2030, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và lộ trình phát triển bền vững 2030.
Chính sách xã hội phải đảm bảo thực hiện phát triển bao trùm, toàn diện, nhất là nâng cao chất lượng phát triển con người, chất lượng dân số; nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; tạo việc làm đầy đủ; bảo đảm phúc lợi xã hội tăng cường an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội; giải quyết tốt các vấn đề phân hóa giàu-nghèo; đạt được bình đẳng giới, tăng quyền và tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em gái.
Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững: xóa bỏ hoàn toàn nghèo đói cho tất cả mọi người, ở mọi nơi, ở mọi thời điểm và mọi chiều; tập trung giải quyết nhóm nghèo nhất, vùng nghèo nhất, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền dân tộc. An sinh xã hội phát triển toàn diện tiến tới bao phủ toàn dân, nhất là quan tâm hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, người nghèo, người yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.
Tại Kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thời gian tới, tiếp tục triển khai Nghị quyết 15; đồng thời nghiên cứu xây dựng Đề án về chính sách xã hội giai đoạn 2021-2030, trình Ban chấp hành Trung ương khóa XIII ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết 15.
Thủ tướng lưu ý các nội dung như: cố gắng tối đa với tinh thần các chỉ tiêu đã vượt, đạt thì vượt hơn nữa, 02 chỉ tiêu chưa đạt thì phấn đấu đạt. Ngay lúc này phát huy mọi nguồn lực để phòng, chống dịch hiệu quả; hỗ trợ doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ), hỗ trợ người lao động, thất nghiệp. Nghiên cứu gọi cứu trợ quốc gia về vấn đề xã hội theo hướng thiết thực hơn nữa.
Tiếp tục ra soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đánh giá các chính sách trên từng lĩnh vực để có cơ sở bổ sung, sửa đổi hoặc thay thế chính sách mới cho phù hợp và tiến tới tích hợp chính sách trong các lĩnh vực như: Ưu đãi người có công với cách mạng, BHXH, phòng, chống bệnh truyền nhiễm...
Nâng cao, mở rộng và thực hiện đầy đủ chính sách ưu đãi người có công, giải quyết các tồn đọng, nâng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp, đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hai cốt liệt sĩ, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin; tiếp tục vai trò, truyền thống đền ơn đáp nghĩa. Đến hết năm 2020 phải bảo đảm không còn hỗ nghèo có thành viên là người có công.
Phát triển và nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ xã hội cơ bản như: thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và BHYT toàn dân; nâng cao chất lượng y tế cơ sở và y tế dự phòng; giải quyết các vấn đề về suy dinh dưỡng trẻ em, mất cân bằng giới tính sau khi sinh; nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng phụ cấp giáo dục; hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở. Xây dựng xã hội học tập; trợ giúp xã hội linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của người dân và cộng đồng sau thiên tai, thảm họa. Đảm bảo hỗ trợ kịp thời người yếu thế và việc khắc phục rủi ro do dịch bệnh và thiên tai; phòng chống bạo lực, xâm hại, nhất là phụ nữ, trẻ em. Chú ý ưu tiên hơn nữa đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi, nhất là các dân tộc có dưới 10 nghìn người, vùng chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu.
Chú trọng đào tạo và sử dụng hiệu quả nhân lực có kỹ năng, chất lượng cao; phát triển thị trường lao động lành mạnh, đồng bộ, hiện đại và hội nhập.
Phát triển hệ thống BHXH, đa tầng, đa dạng, hiện đại, hội nhập quốc tế, hướng tới BHXH toàn dân nhất là BHXH tự nguyện đối với khu vực nông nghiệp, lao động phi chính thức; thiết kế các gói BHXH tự nguyện với các mức hưởng phù hợp cho tất cả các nhóm thu nhập, đồng thời thay đổi nhận thức và thói quen của người dân tham gia BHXH tăng cường quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm thương mại hoạt động tại Việt Nam để phục vụ tốt hơn nữa an sinh xã hội.
Xây dựng, đề suất chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn tới theo hướng tiếp nối chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, với tư duy mới về giảm nghèo bền vững. Cần lưu ý, tránh trùng lắp với chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.../.
PV
http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/tin-tuc/chinh-sach-bhxh-bhyt-ngay-cang-khang-dinh-vai-tro-tru-cot-an-sinh-xa-hoi-22830
Bản tin Audio số 40 - Tuần 1 tháng 12/2024
Bản tin Audio số 39 - Tuần 4 tháng 11/2024
Bản tin Audio số 38 - Tuần 3 tháng 11/2024